Trong bài viết trước chúng ta đã tìm hiểu FOMO và FUD (Nếu chưa bạn có thể tham khảo tại đây), Hôm nay Coin86 sẽ có một bài viết chuyên sâu hơn về Hiệu ứng FOMO. Bài viết dưới đây sẽ chỉ rõ những nguyên nhân, tác hại cũng như kinh nghiệm tránh bị hiệu ứng FOMO.

Hiệu ứng FOMO là gì?

Hiệu ứng FOMO là gì?

Hiệu ứng FOMO là viết tắt của Fear Of Missing Out, nghĩa là “Nỗi sợ bị bỏ lỡ”. Trước khi diễn giải về FOMO, bạn có thể xem ví dụ dưới đây:

Giả sử bạn là một nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Theo thói quen bạn sẽ tham gia vào các hội nhóm tín hiệu để tìm kiếm cơ hội. Bạn thấy đám đông đang bàn tán về một đồng coin hay một tài sản nào đấy và giá liên tục tăng. Sau một thời gian quan sát giá, cuối cùng bạn cũng quyết định đầu tư vào nó. Bỗng một ngày giá của nó giảm đột ngột và lúc này bạn mới nhận ra bạn đầu tư nhưng lại không hiểu gì về nó cả. Đó chính là hiệu ứng FOMO trong đầu tư coin.

hiệu ứng FOMO trong đầu tư coin

Từ ví dụ trên, chúng ta có thể hiểu FOMO là một loại tâm lý cảm xúc của con người. Khi bị rơi vào trạng thái FOMO, bản thân chúng ta sẽ luôn cảm thấy tiếc nuối nếu như không thực hiện một hành động nào đó. Lúc này trong đầu chúng ta đều chỉ nghĩ về những viễn cảnh tươi đẹp có thể xảy ra trong tương lai khi thực hiện hành động đó mà thôi. Chính suy nghĩ đó khiến chúng ta trở nên mù quáng và đưa ra những quyết định sai lầm.

Nguyên nhân gây ra hiệu ứng FOMO?

Dưới đây là một số tác nhân để tạo ra hiệu ứng FOMO. Cụ thể:

Sự biến động quá lớn của thị trường

Điều này là chắc chắn, bởi khi thị trường biến động lớn thì mới khiến chúng ta cảm thấy FOMO. Vào năm 2017, lúc đó Bitcoin tăng đến mức 20.000 USD, không ít người đã cảm thấy ngậm ngùi tiếc nuối vì đã không mua Bitcoin sớm hơn. Chẳng hạn như thời điểm 2015 thì 1 BTC chỉ có giá là 200 USD. Thậm chí không ai trong chúng ta ngờ rằng ở thời điểm tháng 5/2010 chúng ta phải tốn 10,000 BTC để mua hai chiếc pizza.

Liên tiếp chiến thắng hay thất bại gần đây

Khi bạn liên tiếp chiến thắng trong các giao dịch tiền điện tử, với bất kỳ cơ hội nào trước mắt bạn cũng đều sợ bị bỏ lỡ. Ngược lại khi bạn thất bại cũng vậy, nhìn đâu cũng thấy cơ hội để gỡ lại những gì bạn đã mất.

Những tin đồn thất thiệt

Không chỉ riêng thị trường tiền điện tử mà ngay cả thị trường tài chính truyền thống nói chung những tin đồn này cũng gây ra hiệu ứng FOMO. Giả dụ với tin đồn tất cả các nước trên thế giới đều cấm Bitcoin chắc không ít người sẽ vội vàng bán tháo nó.

Ảnh hưởng của mạng xã hội

Mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Nó là nơi mang đến cho bạn thông tin, nhưng cũng là nơi gây nhiễu loạn thông tin. Với sức mạnh của đám đông, chúng ta dễ dàng bị cuốn theo nó lúc nào không hay.

Cách nhận biết bản thân đang bị hiệu ứng FOMO

Chúng ta hãy thử nhìn lại bản thân mình xem đã có thời điểm nào trong khi giao dịch chúng ta gặp những trường hợp này chưa nhé:

Giao dịch theo tâm lý đám đông

Đám đông đôi khi có một sức mạnh vô hình của nó. Bạn gia nhập đám đông, bạn thấy nhiều người cùng quan tâm và đầu tư một đồng coin nào đó. Chắc hẳn lúc đó bạn sẽ nghĩ đồng coin này phải có điều gì giá trị thì họ mới mua. Hoặc họ biết được một “bí mật” gì đó liên quan đến đồng coin này và bí mật đó có thể giúp nó tăng giá trong tương lai. Với tâm lý nhiều người cùng mua chắc là không có gì sai đâu nên bạn cũng hùa theo đám đông đó.

Khi vào mùa Altcoin, bạn được mách nước là đầu tư đồng coin nào cũng có thể dễ dàng nhân đôi tài khoản. Hoặc khi mà trend về DeFi xuất hiện, bạn có suy nghĩ là đồng coin nào thuộc DeFi cũng có thể mang lại lợi nhuận cao mà không hề hiểu bản chất của đồng coin đó là gì. Đó ắt hẳn bạn đã bị FOMO.

Liều lĩnh thử vận may

Bạn mới tham gia thị trường tiền điện tử và chưa có nhiều kiến thức về nó. Bạn cảm nhận được sức nóng của thị trường và muốn lướt sóng cùng nó để kiếm lời. Lúc này bạn liều mình thử để xem bản thân bạn có may mắn hay không.
Bạn theo dõi một đồng coin trong một thời gian và thấy nó liên tục tăng giá từng ngày. Bạn nghe theo đám đông về việc nó sẽ còn tăng giá nữa. Lúc này bạn nghĩ mình sẽ hối tiếc nếu không mua nó sớm vì kiểu gì nó cũng tăng giá. Vậy là bạn liều lĩnh thử và chờ đợi vận may từ nó. Đó cũng gọi là sự FOMO.

Tác hại của hiệu ứng FOMO

Khi mắc phải hiệu ứng FOMO, bạn sẽ gặp phải một số vấn đề sau đây:

Mua đỉnh bán đáy

FOMO thường xuất hiện khi đang là cao trào của một đợt tăng giá đồng coin. Điều này có nghĩa là việc bạn vào lệnh ở thời điểm đó cũng không có gì đảm bảo đó là hợp lý. Khi bạn không có kiến thức về thị trường, đầu tư theo cảm tính thì lợi nhuận sẽ không được tối ưu.

Hiệu ứng FOMO sẽ tạo ra một vòng lặp cho các NĐT. Khi họ thấy giá liên tục tăng, cảm giác phấn khích xen lẫn tiếc nuối xuất hiện. Và hành động lúc này là mua ở đỉnh của một chu kỳ. Khi giá có dấu hiệu giảm, họ có dấu hiệu sợ hãi. Lúc này tâm lý hoặc là sẽ “bán lúa non” hoặc là họ sẽ bán khi giá rơi về đáy của chu kỳ

Mất niềm tin vào thị trường

Khi mà bạn bị bỏ lỡ quá nhiều “chuyến tàu” lợi nhuận. Bạn vào lệnh khi giá đã ở thời kỳ đỉnh cao và bán ra khi giá đã giảm. Bạn bỏ lỡ các trend của thị trường. Bạn liên tục thua lỗ và chính sự thua lỗ đó khiến bạn hoài nghi hơn về tiềm năng của thị trường. Sau cùng khi mất hết sạch tiền thì bạn cho rằng thị trường lừa đảo, mà không biết rằng chính việc FOMO đã khiến bạn đưa ra các quyết định sai lầm.

Kinh nghiệm tránh bị hiệu ứng FOMO

Dưới đây là 8 kinh nghiệm tránh bị FOMO và giải quyết khi bị FOMO.

Biến FOMO thành JOMO

JOMO là viết tắt của Joy Of Missing Out. Có nghĩa là bạn hãy làm quen dần với việc thắng thua trong đầu tư. Cơ hội còn rất nhiều cho tất cả mọi người. Bạn không cần phải cảm thấy sợ hãi và tiếc nuối vì mình có thể bỏ qua một cơ hội tốt. Thay vào đó hãy tìm hiểu và nghiên cứu kỹ thị trường để tìm ra các cơ hội mới.

Nghiên cứu kỹ lưỡng

Đừng nên đầu tư theo đám đông. Bạn nên tận dụng thông tin từ đám đông để tham khảo thì sẽ hay hơn. Sau đó nghiên cứu kỹ các chỉ số, các biến động của thị trường để đưa ra một quyết định đầu tư đúng đắn. Việc nghiên cứu kỹ các chỉ số còn có thể giúp bạn nhận ra được đâu là những dự án lừa đảo nữa đấy!

Có chiến lược giao dịch cụ thể

Hãy xây dựng cho mình một chiến lược đầu tư mà bạn cho là phù hợp với mình. Hãy trung thành và bám sát chiến lược đó. Lời khuyên của người khác chỉ nên được dùng làm thông tin tham khảo.

Phân tích những lỗi bạn mắc phải vì FOMO

Không ai trong chúng ta dám chắc mình chưa từng mắc phải hiệu ứng FOMO cả. Tuy nhiên với việc bạn ghi chép thường xuyên lịch sử giao dịch như ở phần trên, nó sẽ là dữ liệu quý giá giúp bạn phân tích những lỗi mắc phải. Có thể thời điểm này bạn vào lệnh do tâm lý đám đông, hoặc bạn nghe được một tin đồn nào đấy. Không sao hết, hãy coi đấy là những “dịp” tốt để bạn phân tích và nhìn nhận lại những sai lầm của mình.

Loại bỏ yếu tố cảm xúc trong giao dịch

Những nhà đầu tư mới thường để bị yếu tố cảm xúc gây ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Nó giống với việc bạn quyết định “bán lúa non” khi thấy giá bắt đầu có dấu hiệu giảm. Vì thế hãy chỉ thực hiện giao dịch khi bạn đã phân tích nó đủ kỹ thông qua các con số.

Chỉ đọc những nguồn tin uy tín

Trong đầu tư, tin tức là một trong những yếu tố thực sự cần thiết. Nhưng hãy biết lựa chọn những nguồn tin tức chính thống. Việc tiếp cận tin tức từ chính những thành viên của đội ngũ phát triển dự án có lẽ là an toàn nhất dành cho bạn. Bạn có thể đăng ký nhận bản tin cập nhật từ họ. Hoặc theo dõi họ trên các trang mạng xã hội như Facebook/Twitter/Telegram …

Tránh xa mạng xã hội

Đừng nên tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội, nhất là các nhóm tín hiệu. Đám đông thường gây hại cho bạn nhiều hơn là giúp đỡ. Khi trở thành một phần của đám đông, vô tình bạn sẽ thấy mình bị cuốn theo đám đông đó lúc nào không hay.

Nghiên cứu các Case Study mất tiền vì FOMO

Bạn nhớ Bitconnect chứ? Họ đã lừa được rất nhiều tiền của các nhà đầu tư chỉ dựa vào lòng tham. Kịch bản thì lại vô cùng đơn giản và dễ nhận thấy.

Họ bơm tiền để đẩy tỷ giá đồng BCC lên cao ngất ngưởng. Lúc này nhà đầu tư thấy tỷ giá tăng không ngừng, người người mua Bitconnect và có lãi ngay tức thì. FOMO nổi lên, họ không muốn mình bị bỏ lỡ mất “chuyến tàu Bitconnect”. Và nhiều nhà đầu tư đã đổ tiền vào nó thậm chí ngay cả khi họ không hiểu gì về nó cả. Và kết quả như thế nào thì các bạn cũng thấy rồi đấy.

Kết luận

Qua bài viết này hi vọng sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về hiệu ứng FOMO, nguyên nhân bắt nguồn, những tác hại và cách để phòng tránh bị FOMO. Bạn có thể truy cập Kiến thức CryptoKiến thức đầu tư của Coin86 để biết thêm những thông tin hữu ích.

Đọc thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *