Xuất hiện tràn lan nhiều hình ảnh của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương trong chiến dịch quảng bá cho hệ thống tiền số có tên “Deffect”. Dự án Deffect có dấu hiệu đa cấp, lừa đảo. Chi tiết cùng Coin86 tìm hiểu bên dưới đây.
Hình ảnh Tiến sĩ Lê Thẩm Dương xuất hiện trong buổi hội thảo của dự án tiền số Deffect được nhiều người dùng lan truyền trong các hội nhóm cộng đồng đầu tư tiền mã hóa tại Việt Nam. Thực chất, Deffect có dấu hiệu đa cấp, lừa đảo, trả lãi theo nhiều tầng đầy rủi ro.
“TS. Lê Thẩm Dương bị lợi dụng hình ảnh trắng trợn”
Trả lời Zing, TS. Lê Thẩm Dương bị lợi dụng hình ảnh bởi các nhóm đa cấp – ông nói. “Tôi được mời đến để nói về kiến thức đầu tư. Hội thảo này được tổ chức bởi những người uy tín. Trong sự kiện, tôi cũng khẳng định hình thức đầu tư nào trên 30% lợi nhuận đều có khả năng là lừa đảo”, ông Dương cho biết.
Theo ông Dương, toàn bộ video giảng tại buổi hội thảo hôm đó đều được lưu lại. “Tôi không kêu gọi bất cứ ai đầu tư cả. Việc tôi làm lúc đó chỉ thuần nói về kiến thức và cảnh báo cộng đồng”, TS. Lê Thẩm Dương cho biết. Đồng thời, ông Dương cũng lên tiếng cảnh báo người đầu tư. Không tham gia những dự án có cách làm truyền thông “vô học” như vậy.
Hiện, TS. Lê Thẩm Dương đã liên hệ với phía tổ chức sự kiện để gỡ bỏ toàn bộ hình ảnh. “Họ hoàn toàn không quan tâm tới những gì tôi giảng. Cái họ cần là hình ảnh và uy tín của tôi”, ông Dương kết luận.
Deffect cam kết mức lãi cao lên đến 120%/năm
Theo giới thiệu của các thủ lĩnh, đồng tiền số DEF hoạt động dựa trên thuật toán Proof Of Stake. Một thuật toán đồng thuận sử dụng trong blockchain. Với nhiều gói đầu tư, dự án này hứa hẹn rằng người dùng có thể thu được lợi nhuận lên đến 120%/năm. Tuy nhiên, hiện tại, nhà đầu tư chỉ có thể mua DEF trên sàn nội bộ. Và chờ đợi lên giá, token này chưa được niêm yết hay ứng dụng ở bất kỳ đâu. Điều này đồng nghĩa với việc khi sàn “sập”, nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng.
Các kênh truyền thông của Deffect vẽ ra viễn cảnh token DEF sẽ được lên các sàn giao dịch lớn như Binance với mức giá 5 USD vào cuối tháng 12/2021, tương đương mức tăng trưởng 293 lần so với giá hiện tại. Có thể hiểu đây đơn thuần chỉ là hình thức huy động vốn và tạo niềm tin cho nhà đầu tư có tham vọng gia tăng tài sản, thu lợi nhuận cao.
Trước đây, quản trị viên của dự án thành lập hội nhóm cộng đồng nhà đầu tư đồng tiền DEF có tên “Đầu tư cùng Tiến sĩ Lê Thẩm Dương” trên Facebook, thu hút gần 3.000 thành viên tham gia. Sau khi nhiều người dùng nhận xét đây là dự án đa cấp, lừa đảo, hội nhóm này nhanh chóng được đổi tên thành “Đầu tư cùng Deffect”.
Dự án này thường xuyên tổ chức các buổi “chia sẻ kinh nghiệm” trực tuyến qua ứng dụng Zoom, toàn bộ nội dung buổi họp đều được ghi hình lại và đăng tải trên kênh YouTube của Deffect.
Trả “hoa hồng” theo mô hình kim tự tháp
Các trưởng nhóm nhà đầu tư Deffect sẽ được nhận từ 5-10% tiền “hoa hồng” khi giới thiệu thành công người chơi mới tham gia. Đồng thời, leader còn được hưởng lợi nhuận dựa trên thu nhập khi các cấp dưới thực hiện staking, mức hoa hồng này lên đến 6 cấp và được trả bằng token DEF.
Ở cấp đầu tiên, người giới thiệu sẽ nhận được 3% dựa trên tổng số coin đào được của cấp dưới. Các cấp tiếp theo, mức hoa hồng này giảm xuống từ 0.15-2%.
Theo website của Bộ Công Thương, dấu hiệu đầu tiên để nhận biết hoạt động đa cấp không đáng tin cậy là việc họ chủ yếu tập trung tuyển dụng tuyến dưới để ăn hoa hồng.
Các thủ lĩnh luôn kêu gọi người dùng mua thêm token Deffect ở giá thấp. Và cho rằng đồng tiền số này sẽ có mức tăng trưởng mạnh trong tương lai. Đồng thời, trưởng nhóm thường xuyên mời người chơi tham gia game của nền tảng nhằm tích lũy thêm đồng DEF và chờ đợi tăng giá. Theo đó, các thủ lĩnh sẽ nhận được 1% “hoa hồng” khi mời gọi thành công cấp dưới tham gia qua liên kết có mã giới thiệu. Tuy nhiên, các trò chơi này không khác gì tài xỉu.
Cụ thể, với game Dice và trò chơi DKendo, người dùng cần kết nối ví. Và dùng token DEF đã mua để đặt cược vào việc dự đoán con số may mắn. Số tiền trả thưởng dựa trên mức rủi ro khi tham gia đánh cược của nhà đầu tư. Nói cách khác, số tiền đầu tư được người chơi đặt cược vào những con xúc xắc.
Ngoài ra, các thủ lĩnh còn thu hút người chơi bằng những phần thưởng hiện vật khi tham gia đầu tư tiền số của dự án Deffect. Cụ thể, với mỗi gói đầu tư, người chơi sẽ nhận được những món quà tương ứng. Ví dụ như vàng, điện thoại, xe máy, ôtô…
Kết luận
Dù chưa kết luận TS. Lê Thẩm Dương bị lợi dụng hay lươn lẹo nhưng ta có thể thấy Deffect có dấu hiệu đa cấp và lừa đảo. Cảnh báo đến tất cả người tham gia thị trường tiền điện tử, bạn nên tỉnh táo, phán đoán để tránh bị lừa đảo bởi các dự án scam. Truy cập Kiến thức đầu tư và Tin tức Coin để biết thêm thông tin.
- Scam là gì? Các hình thức và cách phòng tránh Scam như thế nào?
- Những dấu hiệu nhận biết một trang web crypto lừa đảo
- Các hình thức lừa đảo khi đầu tư tiền ảo